RSS

Author Archives: trinhhoaiduc

Mứt Gừng

Dong Trinh


Tay nâng chén muối dĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

Vừa sên xong nồi mứt gừng dẽo, trong nhà mùi gừng bay tỏa khắp nơi, thơm ngào ngạt. Dù đã tối, chuẩn bị đi ngủ, tôi cầm lòng không đặng, cũng rán mút một miếng, cho vô miệng. Ôi trời ơi… sao mà cay cay, ngọt ngọt lại chua chua của thơm mà tôi cho thêm vô… ăn một muỗng lại muốn thêm một muỗng nữa!

Chuyện ngày xưa lại quay về trong tôi. Từ lúc tôi còn nhỏ xíu cho đến khi đã lập gia đình, trong tủ kiếng đựng chén kiểu của má tôi không bao giờ thiếu hủ mứt gừng. Ba ngăn trên, má tôi chất thật thứ tự chén, tô, dĩa kiểu của Nhựt, cái chén bằng sứ trắng tinh, nhẹ hều. Đưa cao lên dưới ánh sáng mình có thể nhìn thấy những hình ảnh rồng phượng ẩn bên trong, rất đẹp. Má tôi mua nhiều bộ với nhiều hình khác nhau. Mỗi lần bà con lối xóm có tiệc tùng cưới hỏi đều đến nhà tôi mượn và chắc chắn khi trả đều có mất đi vái cái với lý do lỡ bể hoặc lạc đâu mất, kiếm chưa ra và mãi mãi không bao giờ kiếm ra. Riết rồi mấy bộ chén kiểu quý của má tôi không bộ nào còn nguyên vẹn, vậy mà cứ hể có ai hỏi mượn má tôi cũng không bao giờ từ chối.

Trở lại cái tủ chén, ngăn dưới cùng má tôi để một hủ thịt chà bông, một hủ cá lóc chà bông, nhiều hủ đường cát trắng phau và một hủ mứt gừng với những sợi nhỏ vàng óng, thật hấp dẫn.

Má tôi không bao giờ mua bánh kẹo để sẵn trong nhà trừ vào dịp tết. Vã lại, nhà tôi ngay phố chợ, thức ăn ê hề mà. Đây cũng là nơi lục lạo rất thú vị của tôi. Trưa trưa, tôi hay lén má tôi, cầm sẵn một cái muỗng cà phê bằng nhôm, nhè nhẹ mở cái cửa tủ kiếng, rồi ngồi bẹp xuống đất. Tôi từ từ mở nắp hủ thịt chà bông, mút một muỗng đưa vô miệng. Ôi sao mà ngon quá đỗi là ngon, mặn mặn, một chút cay tiêu, mùi thịt được chà cho bông lên, khô ráo..tôi ngậm trong miệng, nuốt từ từ cái vị ngọt của thịt…rồi một muỗng cá, mềm mại, cá mà không tanh vì má tôi đã trụn rất kỹ. Tôi bắt đầu cẩn thận bưng cái hủ mứt gừng đã vơi đi phân nửa. Tôi tham ăn, mút một muỗng thiệt đầy, đưa vô cái miệng nhỏ xíu, xong lẹ làng đóng cửa tủ lại, leo lên bộ ván gõ nằm, nhâm nhi từ chút, từ chút cái vị ngọt mà cay, thơm mà nồng. Ngon gì đâu là ngon, tôi không dám nhai lẹ vì sợ hết, mật ngọt của gừng thơm cứ thấm dần vô lưởi, xuống cuống họng tôi, cái cay cay làm tôi nghe ấm áp và chìm dần trong giấc ngủ trưa hồi nào hỏng biết.

Ngày qua tháng lại, má tôi thỉnh thoảng mở tủ, thấy gừng vơi thịt cạn là làm tiếp cái khác mà không hề la rầy hỏi mấy anh chị em tụi tôi, đứa nào là thủ phạm ăn vụng.

Gừng còn nhiều công dụng khác rất hay. Tôi hay bị ói vì dị ứng với mỡ, má tôi luôn có sẵn vài nhánh gừng tươi trong bếp để nấu nước cho tôi uống. Bình trà huế mỗi sáng, má tôi lúc nào cũng cho vô vài lát gừng để tăng thêm hương vị thơm tho. Tôi rất thích món gà kho gừng mà má tôi thỉnh thoảng hay làm, chỉ cần chén cơm trắng, chan chút nước , vài miếng thịt..ăn quên thôi…ngon gì đâu là ngon hà! Món mắm hầm vĩ chưng thịt bầm không thể nào thiếu những sợi gừng trên mặt, làm cho dĩa mắm vừa đẹp, vừa thơm mà ba tôi ưa lắm. 

Có lẽ ba má tôi đều mang hai dòng máu Việt ,Tàu nên món gừng trở nên quá quen thuộc với đời sống hằng ngày của gia đình chúng tôi. 

Qua Mỹ, anh Ba tôi cũng mỗi ngày uống trà có cho vài miếng gừng. Sáng sớm, vừa thổi vừa hớp từ chút, từ chút trà nóng, vị trà chan chát, gừng cay cay, tinh thần bỗng trở nên sảng khoái, đánh tan đi cơn ngái ngủ lẹ làng.

Nhớ hủ mứt gừng đầy rồi cạn, cạn lại đầy ngày xưa trong tủ chén, ngày nay tôi cũng hay làm lại cái món mứt gừng dẽo muôn thuở không bao giờ phải mờ trong ký ức tôi.

Tôi lại nhớ đến trong những phim vui, mấy anh chàng hay gọi em ớt của mình là: – dĩa mứt gừng của anh…vậy ra, đàn bà, con gái khi ngọt thì cũng lắm ngọt ngào, khi nổi cơn tam bành lục tặc thì cũng lắm chua cay hả quý vị nình ông?

Fort Smith, Feb 22-2018


 

Nồi xà bần, ngọt lịm tình xưa

Lâm Quang Khải

Tết đối với tôi, phải là về nội, để hưởng một không khí Tết thiêng liêng của đại gia đình, tổ tiên dòng họ. Nội cái cây mai cổ thụ của bao đời trước để lại, thơm ngát mùi mai, tết; nhà thờ bề thế phía trước, mới đúng là ”hồn nước với lễ gia tiên”. Mâm cơm ngày tết, với nhang đèn, khói hương nghi ngút. tuổi còn nhỏ mà, tôi còn thấy, tô canh ổ qua, cắt trái ổ qua dồn thịt ra làm bốn. Dĩa thịt kho nước dừa, bốn năm cục thịt to hơn nắm tay (người lớn). Tô bắp cải gói thịt cột bằng lá hành xanh. Tô canh ”măng tre Tàu” hầm chân heo, truyền thống của gia đình. Dĩa bánh tét xanh lợt màu lá dứa, bánh ít … v … v. Mâm cơm cúng nầy, đẹp , gọn ghẽ trên những dìa ông tiên, chén , tô cơm với bộ đồ cổ, đúng hương vị và hình thái, của Tết.

Nếu trước Tết, cửa được sơn, tường thì đươc phết nước vôi, sửa chữa lại chút đỉnh những chổ cần thiết, thì đống rác vật dụng gạch ván, được gọi là đống xà bần, được mấy xe ba bánh chở đi, quét dọn, rồi rửa ráy nhà cửa sạch sẽ.
Thì sau tết, mùng bốn mùng năm. Chúng tôi được hưởng món xà bần”tết” của nội. Gọi là xà bần tết, để phân biệt với nồi xà bần của những ngày sau đám giổ, nồi xà bần sau những lể lộc.
Xà bần, thì hàm bà lằng, món nầy , món nọ. trộn lẫn nhau. ”Hòa”, là chung một nồi, nhưng không ”tan” đi những miếng thịt, cá, rau, cải chua, hương vị nguyên thủy của nó,. Nó hòa tan trộn lẫn nhau, để có một mùi vị đặc biệt, ”xà bần”. Cái ngọt của thịt cá, rau cải, chua ngọt béo bùi, thật là nghe đã cái miệng nó làm sao đâu .

Mấy chục năm xa xứ, hình như lâu lắm rồi! Lo toan đủ chuyện, hương vị thiêng liêng của ngày tết, bay dần theo năm tháng. Một hôm, tình cờ đi chợ gặp anh bạn. Anh cho biết đi Việt Nam vừa trở qua Canada. Tôi hỏi anh có gì vui không, anh cười nói:
-Vui nhứt là được ăn món xà bần sau Tết đó anh Khải à. Từ cái ngày bước chưn xuống tàu, bỏ lại tất cả sau lưng, tui cũng bỏ lại luôn cái nồi xà bần mà khi đi qua đây. nồi xà bần Tết của nội tui, má tui thường nấu lại cho cả nhà ăn. Nồi xà bần mang tình tự quê hương. Vừa rồi, ngồi trên bàn ăn, nhìn lại món cũ, tự nhiên nước mắt tui chảy dài. Bên này, cái gì tui cũng có thể có được, món ngon vật lạ nào tui cũng nếm qua…vậy mà..cái nồi xà bần của quê hương cũ…rồi anh nghẹn ngào không nói được nữa!

Và tôi, tôi cũng chợt nghe lòng se thắt lại khi nhớ đến, nội, má tui với cái món xà bần, nhất là món xà bần sau ba ngày tết.
Bài viết nầy, như là một món xà bần, tình xưa nghĩa cũ quê nhà, tình nay đời mới của đời bên nây.

Mông Lệ An, mùng bốn tết Mậu Tuất.

 

Hăm ba đưa ông táo, hăm sáu đưa học trò!

Dong Trinh

Những ngày này, chợ búa nhộn nhịp, các gian hàng Tết được dựng lên vội vội vàng vàng, chợ bông với đủ loại, đủ màu. Nào vạn thọ cúc đại đóa, mồng gà, thược dược, hướng dương. Còn có những loại bông mắc tiền cho nhà giàu như mai, đào, lan. Những chậu kiểng được uốn hình rồng, phượng . Mấy chậu hạnh lá xanh mơn mởn, trái vàng tươi. Xa xa, mấy cái lều chất dưa hấu cao ngất ngưỡng. Mấy trái dưa tròn trịa, da bóng láng. Cạnh đó,dãy bánh mứt, thèo lèo, hột dưa, chà là đựng trong những cái thùng cây. Khách mua trả giá, người bán rao hàng. Chợ Tết thường được bắt đầu lối 21,22 âm lịch. 
Ngày hăm ba, má nấu cơm sớm, dọn dẹp bếp núc cho thiệt sạch. Xong đâu đó, má bắt đầu bày mọi thứ lên bếp. Ngày này, TV thường chiếu những vỡ hài kịch với’ hai ông và một bà ‘. Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm cứ đến ngày hăm ba tháng Chạp âm lịch, Táo quân lại cưởi cá chép bay về trời để trình tấu mọi việc xãy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến tối ba mươi, nhà nhà mới cúng để rước ông Táo quay về trần gian để tiếp tục mọi công việc, coi sóc bếp núc của mình.
Vì Táo quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở, tốt xấu của gia chủ. Cho nên, để cho ông táo về tâu với Ngọc Hoàng những điều tốt lành hầu được may mắn suốt năm, gia chủ thường làm cái lễ tiễn ông rất trịnh trọng với chè trôi nước, bánh mứt, theo lèo cứt chuột, còn có bộ ngựa chạy cò bay để cho hai ông một bà dùng làm phương tiện mà bay về trời.Do truyền thuyết hai ông một bà , nên bếp của mình ngày xưa bao giờ cũng có ba cái lò. Ngày nay, khoa học tiến bộ, hầu hết các gia đình, ngay cả miệt ruộng đồng cũng xài bếp ga, bếp điện. Vừa tiện lợi vừa nhanh chóng. Thành ra, chỗ thì bốn khuôn lò, chỗ chỉ có hai khuôn. Vì vậy, ngày nay, chuyện hai ông một bà chỉ còn là trong ký ức chúng ta mà thôi.
Sau ngày đưa các ông bà về thiên đình, chúng ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Trước tiên là cái bàn thờ tổ tiên. Ba tôi phải theo dõi thời tiết, coi ngày nào nắng ráo đem bộ lư đồng mà theo năm tháng đã mờ úa, chuyển sang một màu vàng sậm cũ kỹ. Anh tôi đem hết ra bày ngoài hàng ba, lấy mấy cái khăn lông cũ, chanh, giấm, nước…Sau khi cẩn thận kỳ cọ, đánh bóng, bây giờ bộ lư đã sáng ngời, y như mới.
Mọi thứ bừa bãi hàng ngày được thu gọn, nền gạch tàu được anh tôi dùng bàn chải rễ tre chà từng miếng vuông thật kỹ. Một lát sau, nền gạch chuyển sang màu đỏ au, tôi nghe hơi mát bốc lên cả nhà.
Ngày hăm sáu, ngoài đường vắng bóng học trò qua lại. Tuy nhiên, tiếng trống cù, tiếng chập chả nổi lên rình rang. Đám trẻ không phải tới trường nên tha hồ chạy theo đám cù cùng làng khắp xóm. 
Rồi chiều ba mươi, chợ búa tiêu điều, xơ xác, nhiều người may mắn bán hết sớm đã vội thu dọn để về nhà cho kịp giờ rước ông bà, chung vui ba bữa với con cháu. Những người không may, hàng hoá còn nhiều, cố nấn ná bán tháo bán đổ, vớt vát đồng nào hay đồng nấy, mặt mày buồn hiu. Lấy đâu tiền mua cho con bộ quần áo mới chạy khoe ba ngày tết, lấy đâu tiền trả bớt nợ nần, lấy đâu tiền mua vài miếng thịt miếng rau đây hở trời!
Chuyện gì rồi cũng qua. Sáng mùng một, ngoài đường, mấy cô thiếu nữ tóc quăn, tóc kẹp, áo hường, áo xanh dắt nhau ra chợ, mặt mày tươi rói. Chút má hồng, môi thắm không xoá đi được cái nhà quê nhưng lại vô cùng mộc mạc, đáng yêu. Mấy cô vừa đi, vừa nói cười khúc khích. Ôi thiệt là có duyên, cái duyên chất phác của cô thôn nữ miền Nam.
Anh Hai tôi, nguyên là rễ của người dì thứ Hai. Ba má tôi và chúng tôi rất quý anh. Dù là vai cháu rễ nhưng anh chỉ nhỏ hơn ba tôi một tuổi. Anh là người con hiếu thảo, phụng dưỡng mẹ già cho đến cuối đời . 
Trong gia đình, anh là người chồng gương mẫu và là người cha có trách nhiệm. Năm nào cũng như năm đó, đúng sáng mùng một, anh ăn mặc chỉnh tề, ra nhà ba má tôi. Anh đến trước bàn thờ, đốt ba cây nhang, khấn nguyện rồi kính cẩn lạy ông bà tổ tiên. Trên bàn thờ khởi hương nghĩ ngút. Cái lục bình có hình sơn thủy được cắm vô đó nhánh mai vàng đã được thui gốc và lặt lá từ hôm rằm. Sáng nay, cành cây đầy những cánh mai vàng rực, chén lẫn lá non và những nụ còn xanh biếc. Bên trái tủ thờ là cái chân ngựa bằng gỗ đỏ, bên trên một cái dĩa thật lớn với các loại trái cây được chính anh Hai tôi chưng thiệt khéo. Trưa ba mươi năm nào anh Hai tôi cũng đến nhà, với đôi bàn tay khéo léo, đôi mắt thẩm mỹ. Anh giúp ba má tôi sắp xếp lại bàn thờ thật là đẹp, thật là trang nghiêm. Tôi nhìn lên, hai tấm hình ông bà nội tôi được đặt dựa ngay ngắn trên vách. Ông bà như đang mĩm cười, sung sướng cùng con cháu trong mấy ngày xuân. Tôi cùng mấy đứa em, xúng xính trong bộ quần áo mới, được ba má lì xì. Những bao thơ đỏ có tiền mới tinh thơm phức, những tô mì, những cái hột vịt lộn đang chờ đón chúng tôi tối nay ở đầu chợ dưới…
Tết đến rồi, tết đến rồi bà con ơi! 
Năm mới nói chuyện cũ để nhớ lại những ngày xưa thân ái hồi nẩm cho vui. Thân mến chúc anh chị em một mùa xuân thật an lành, hạnh phúc nhé!


 

Mùi nhớ!

Dong Trinh


Buổi tối hôm trước, mưa tầm tả suốt đêm. Sáng nay, tôi đi ngang chợ cá, chân mang đôi dép Nhựt Bổn quai kẹp, cứ mỗi bước là chiếc dép bị dính xuống mặt đường, dở chân mạnh lên, nước bùn văng tứ tung, mà khi về đến nhà , nhìn ngược vô cái tủ kiếng, lời thôi, tôi thiệt tình không thể nào tưởng tượng được. Từ lai quần đến cổ áo, lấm tấm những chấm đen, tôi phải lật đật thay ra đem đi giặt lập tức. Còn chân tôi đầy bùn lầy, nhớp nhúa…mùi tanh nồng nặc bay lên xông vô mủi theo từng cơn gió từ dưới bờ sông. Những người đàn ông rán bưng mấy thùng thiếc tròn cỡ bằng cái nia sàng gạo , chiều cao cỡ bốn tấc từ hướng vựa cá Long Vân đi tới. Ông chủ vựa còn trẻ lắm, lối chừng bốn mươi, dáng người mập ú, mặc quần xà lỏn, áo sơ mi trắng ngắn tay, theo sau, tay cầm cuốn sổ, miệng chỉ huy đám người làm công. Mấy chị bán cá mặc toàn đồ đen, chắc như vậy thì dù có dơ, có ướt cũng hỏng đến nổi nào. Tôi lom khom chỉ một con cá lóc hơi hơi trọng, kêu chị Bảy cân. Con cá hơn một ký, mập tròn quay. Chị bắt đầu chặt vi, đánh vẫy, lạng da rồi mổ bụng, móc ruột. Một đùm trứng màu vàng thiệt lớn! Cha! Điệu này kho chung với cá là ngon hết ý nha. Chị Bảy làm con cá sạch trơn, thiệt là lẹ, thiệt là thiện nghệ. Xong, chị lấy sợi dây lát, luồn qua cái hàm con cá, cột lại tòn teng đưa cho tôi. Trả tiền xong, tôi vội bước đi cho thiệt lẹ…tanh quá…! Vô tới chợ khô, trời nắng gắt, mùi khô bốc lên nồng nực. Từng sạp, từng sạp nào khô tra, khô lóc, khô sặc, khô cá thiều…mỗi giỏ cần xé là một loại. Bỗng có tiếng la thất thanh:
-Trời ơi, chết tui rồi!
-Nè tao đập chết mẹ mày để coi mày còn dám phá giá tao nữa không?
Tôi quay qua, người ta đương bu đen nghẹt. Tò mò, tôi cũng chen vô ngó coi chuyện gì xấy ra…Ý trời đất quỷ thần ơi, con Chín bán khô mà tôi thỉnh thoảng hay ghé qua mua, hai tay đang ôm đầu, máu chảy ròng ròng chạy dài xuống mặt, xuống vai đỏ chét, con nhỏ vừa khóc vừa la ỏm tỏi. Bà Bốn tay còn cầm cái cán cân, dá dá vô đầu con Chín, miệng thì tru tréo:
-Mày mà còn tiếp tục cái mãng đó nữa là tao đập cho nát đầu mày ra…

Trời! Người gì mà dử quá chừng vậy nè! Cả khu chợ khô này ai cũng biết tiếng của bả, bả có cái gốc bự lắm nên không coi ai ra gì hết.
Một người đàn ông lật đật vẹt đám đông , bước vô, vác con Chín chạy lẹ về phía trên, chắc là đưa con nhỏ đi nhà thương.
Mọi người bàn tán xầm xì một lát rồi cũng vãng ra, mạnh ai nấy lo trở về gian hàng của mình, tiếp tục rao hàng, trả giá. Sinh hoạt trở lại bình thường trong hỗn độn, ồn ào của buổi chợ sáng, chuyện hồi nãy xây ra như ăn cơm bữa mà!
Tôi rão bước về hướng nhà lồng chợ. Tiếng xèo xèo, một làn khói mỏng bốc lên, mùi thơm ngào ngạt của dừa, của đường tán, của nước cốt dừa hoà lẫn nhau, quyện vô mủi tôi. Cái mùi của những món bình dân, rẽ tiền này lại vô cùng độc đáo sau khi cái bánh dừa được nướng chín trong cái khuôn sắt tròn lớn cỡ chục gắng tay. Ông già Tàu trong bộ xá xẩu vải đen mộc mạc vừa dở nắp bánh ra, người người bu đen kín xung quanh ông đang xoè tay đưa tiền ra:
-Tui hai miếng!
-Tui một miếng!
-Tui bốn miếng!
Ông già cầm con dao lưởi dài cả bốn năm tấc, sắc lẽm, cắt ngang cắt dọc ổ bánh thiệt,khéo, thiệt đều, miếng nào miếng nấy bằng y nhau như đã được đo sẵn. Tay đưa bánh, tay thu tiền, thoáng cái, ổ bánh hết sạch, ông lại tiếp tục đổ ổ khác.
Gần đó, mấy xe mì, hủ tíu bốc hơi lên khiến bụng tôi nghe đói cồn cào. Mùi nước lèo đặc biệt mà sau này tôi nhiều lần tập nấu vẫn không làm sao giống được.
Bên lề đường Đoàn Trần Nghiệp, trước cửa tiệm gạo Đức Hoà, tiếng cạp cạp, tiếng chíp chíp, tiếng mấy chị bán gà, vịt mời khách. Cứ thỉnh thoảng, chị hốt một nắm thóc đã ngâm nước, cố banh hai cái mỏ của mấy con gà ra để nhét thóc vô. Hèn gì bầu diều con nào con nấy đầy căng. Mấy chị làm vậy để cho gà nặng cân thêm. Đầu cổ, áo quần chị nào chị nấy đầy lông gà lông vịt. Mùi phân ngai ngái xông lên dưới ánh nắng chói chang của mùa hè.Tôi rãi bước lên phía tiệm vàng Nhựt Hưng, trên lề đường, nào tô, dĩa, chén lu, khạp..bày lủ khủ, đủ cở. Những xâu chén một chục mười hai được cột bằng sợi nylon hường, chắc chắn để san sát nhau. Mấy cái tô có hình con gà trống với cái đuôi dài cong vút, cái mồng đỏ chét, đứng oai vệ gì đâu. Ngày xưa, đối với nông dân, con gà trống đóng một vai trò rất quan trọng. Sáng chiều, nó gáy to để báo hiệu mặt trời mọc và khi hoàng hôn xuống. Vì vậy, cái tô, cái chén có hình con gà trống là coi như tượng trưng cho chén lập nghiệp của nông dân thời xưa. Một động cơ thúc đẩy họ luôn cần cù với mãnh ruộng quê hương.Bữa ăn luôn được coi là rất quan trọng trong đời sống hàng ngày, nên vật dụng ăn uống cũng được mọi người chú tâm đến. Nhà giàu thì dùng chén kiểu rông, phượng trong khi đó, người nông dân , lao động thì rất chuộng những tô chén có hình con gà trống đen tuyền, bên cạnh còn có nãi chuối và bông hoa để tượng trưng cho sự may mắn.
Rồi tôi lại lang thang về phía tháp đồng hồ cao ngất ngay phòng thông tin. Xung quanh đó, những tiệm sách báo Nam Cường, Ngọc Thành, Việt Hưng, Minh Cường…người mua báo, kẻ lựa sách. Tiếng bào nước đá xèn xẹt đều đặn từ mấy cái xe đậu đỏ bánh lọt, tiếng máy xay nước mía, tiếng lốc cốc của mấy đứa nhỏ gõ mì. Mùi thơm ngất ngây của nồi chè hột điều có cô chủ tên Hiền mà thiệt lanh hết sức. Mùi bánh xèo nứt mủi người ngang qua, cầm lòng không đặng, phải ngồi xề xuống kêu một cái, bự bằng cái dĩa bàng. Ôi thôi bánh màu vàng nghệ, hơi cháy cháy nâu nâu, bên cạnh mấy lá xà lách xanh mướt, vài cọng tía tô tím thẩm, mấy lá húng lủi xanh dờn, thêm dấp cá có mùi tanh tanh nhưng vị lại chua chua. Khách lấy tay, ừ ăn bánh xèo là phải dùng tay mới đúng điệu nhen quý vị. Từ từ, xé miếng bánh xèo ra, thịt ba rọi, trắng hếu bóng mỡ, mấy con tép hồng ló dạng bên những miếng nấm đen, còn có thêm hành củ, hành lá, giá. Cho lên miếng xà lách, kèm mấy loại rau nho nhỏ, từ từ cuốn lại. Chấm vô chén nước mắm tỏi, ớt, chanh đường, đưa lên miệng, cắn một miếng thiệt bự mới đã nha…ôi thôi..nóng nóng, dòn dòn, cay cay, mặn mặn. Xong lại hớp một ngụm trà huế nóng hổi, khà một tiếng…ý cha chả, ngon gì đâu là ngon, ngon quên trời quên đất và quên cả đường về!

Lần vài bước ngắn, tiệm nước Đức Thình Hưng mà cả nhà tôi hay gọi bằng một cái tên thiệt là bình dân là tiệm nước hai căn vì nó có hai căn liền nhau. Đơn giản và dễ nhớ nhất. Trưa nào tôi cũng xách cái ly cối xuống đây mua cho má tôi ba đồng cà phê sửa. Tôi không biết uống cà phê nên không cảm nhận được cái hấp dẫn của nó tới đâu mà lại lôi cuốn bao nhiêu là người, sáng sớm phải có một cái xây chừng, viên xíu mại thì mới đi làm nổi. Trưa dỗ cơn buồn ngủ bằng ly cà phê sửa đá với cái bánh đậu xanh có tròng đỏ hột gà muối thiệt ngon. Mùi cà phê nồng nàn lôi cuốn bao người vậy mà không sao gây cho tôi một chút thèm thuồng. Về ngang qua ngã ba Lê Văn Duyệt, bến xe ngựa còn lưa thưa vài chiếc, những vũng nước sủi bọt được mấy con ngựa thảy ra, lênh láng trên mặt đường, chảy ròng ròng xuống cống kế bên khai ngấy. Tôi cứ thông thả từng bước về nhà.

Bước qua ngạch cửa, ba đang ngồi nơi phòng khách đọc báo, tôi khẻ gọi :Ba! Người ngước mắt lên nhìn, rồi lại cuối xuống tiếp tục đọc dở dang một mẫu tin trên tờ Tiếng Dội Miền Nam của ông Trần Tấn Quốc. Lần vô trong, giường nệm, ván gõ…để san sát nhau…anh Thọ và Khánh đang say sưa ngủ, chị Hai đứng trước tủ kiếng chải đầu sửa soạn đi dạy. Chị im lặng ngó tôi đi ngang qua. Xuống tới nhà dưới, má và dì Sáu đang ngồi trên bộ ngựa lặt rau, gọt bí…bếp lửa hồng nghĩ ngút khói, mùi thịt kho tiêu thơm nứt mũi. Tôi đến cạnh má hỏi : hôm nay má có mua bánh thuẩn cho con không? Má dịu dàng bước tới tủ gạc măng rê gần đó, mở cửa lấy cái bánh đưa tôi…tôi đưa tay ra đón…cái bánh và cánh tay má tôi lui dần…tôi càng cố tiến, má tôi càng lui….bóng má khuất dần trong làn khói mỏng, tôi kêu to: Má á á á á á…!

Mở mắt ra…tôi đang đứng trước cửa ngôi nhà thân yêu tự lúc lọt lòng. Ngôi nhà mà tôi đã từng cất tiếng oa oa, rồi bập bẹ từng tiếng kêu ba, ba..cửa vẫn khoá im lìm, cái ống khoá to đùng nằm gọn trong sợi xích sắt luồn từ cái kẻ cửa lá sách! Tôi cầm cái ống khoá lên…bên trong là tiếng cười của chị em tôi, tiếng ho khèn khẹt của ba, tiếng nước chảy róc rách của vòi nước…nước mắt tôi đầy mặt…tôi đã trở về và chẳng có lối vô…
Bên kia vườn bông điêu tàn xơ xác, hồ sen đã cạn nước, trong hồ những rác, những miễng chai, giấy vụn và bùn xình. Sân cỏ tiêu điều héo úa, cây lá tàn lụi. Con đường Nguyễn Thái Học vẫn còn đó nhưng đâu mất hết rồi những bảng hiệu quen thuộc mỗi ngày đập vô mắt tôi, đâu rồi nhà thuốc Tây Lê Quan Quản, đâu rồi tiệm radio Nghĩa Thành, tiệm uốn tóc Tân Thanh, nhà thuốc Võ Văn Chẩm…đâu rồi, tất cả những hình ảnh thân quen đâu hết rồi…tôi lại nghe mùi nồng nặc từ khói xe, mùi xăng nhớt khét nghẹt của tiếng bánh xe rít trên đường.
Những mùi thương, mùi nhớ năm nào của tôi đã trôi dần theo tuổi thơ, chẳng bao giờ quay lại nữa. Nhìn quanh quất đâu đây, lòng bồi hồi, cảm xúc. Tôi vội vã bước đi, như trốn chạy hay muốn tìm lại những gì đã mất của ngày xưa?

Fort Smith, Feb 02-2018

Dong Trinh.


 

Trái mãng cầu ta bên ngoại!

Đông Trịnh

Tôi sáng mắt, vui mừng khôn xiết khi ngó xuống đất. Trước mặt tôi, ngay quày tính tiền của chợ Đức Thành, một cái thùng giấy, bên trong có cỡ hai chục trái mãng cầu ta, xanh biếc, gai nở đều đặn. Rõ là nỗi vui của kẻ tha hương ngộ cố tri, tôi như bắt được vàng, tôi nhìn không rời mắt, chỉ lo có người nào đó bưng đi.
Ôi! Những lần cầm ly mãng cầu xiêm đông lạnh chua lè chua lét, tôi phải thêm vô hai muỗng đường mới có thể nuốt được, lúc đó tôi cứ nhớ hoài ngày xưa mỗi khi đi chợ, ngang qua mé nhà thuốc Trần Tấn, tôi hay nhìn xuống lề đường, nơi đó, dì Tư, bà Tám thím Hai…mấy người đàn bà suốt đời lam lủ với mãnh vườn con mương. Cứ sáng sáng, mấy dì hái những trái chín cây như ổi, lê ki ma, mãng cầu, mít, vài cái hột gà, trầu cau, vài xấp lá chuối…tóm lại toàn là những món cây nhà lá vườn. Tôi sà xuống đất lựa những trái lê ki ma vàng ươm, thứ trái ít ai chuộng vì ăn dễ mắc nghẹn. Tôi nhìn sang rổ mãng cầu ta, trái lớn, nhỏ đủ cỡ, gai có đốm đen vì đã chín. Dì Tư nói:
-Cô mua hết đi, tui bán mão cho, vừa này vừa kia sa cạ tui tính rẻ đó.
Tôi nhìn qua lại, phân vân, đắn đo. Chợt thầy rổ nấm mối, tôi thích quá, hỏi giá cả rồi mua luôn.
Nấm mối được coi như của trời cho. Nếu bạn đi ngang một miếng đất, sân vườn, một trận mưa rào đổ xuống rồi tắt ngay, điều kỳ diệu thỉnh thoảng xuất hiện… nấm từ dưới đất mọc lên đầy khoảnh đất, trắng muốt, ngon lành gì đâu. Bạn ơi, đừng e ngại gì hết nha, nếu không có chủ nhà ở đó, cứ việc tỉnh queo vô nhổ, cho dù sau đó chủ nhà có ra bắt gặp tại trận, bạn cũng không bị kết án về tội ăn cắp đâu. Người ta nói nấm trời cho là vậy, không trồng mà có nên ai thấy trước thì xí vậy thôi. Với lại nấm này ngộ lắm, nếu không nhổ ngay, để một lát là nó tàn úa hết. Má tôi thích xào với củ hành rất ngon, ngọt. Nếu nhằm ngày cuối tuần mà có cơ hội mua được, mình đổ bánh xèo ăn thì ngon hết biết luôn đó bạn à!
Tôi thích mua trái cây của mấy dì ngồi bán ở đây vì mấy dì không nói thách, trái chín tự nhiên không dú khí đá như phần nhiều các loại trái được bày bán ở các sạp, họ lấy hàng từ các vựa, vừa mắc , vừa không tươi.
Qua Mỹ nhiều năm, bánh trái ê hề, bom, lê, nho táo, thậm chí chợ Á đông có cả, mít, sầu riêng, nhãn, chôm chôm..có lần tôi nhìn thấy thùng măng cụt, trái không lớn lắm, tôi hỏi bà chủ tiệm bao nhiêu một chục ( tôi quen theo kiểu ở Bình Dương, mua thiên, mua trăm chứ đâu có bao giờ mua vài trái măng) bà chủ ngó tôi rồi nỏi:
-Một trái ba đồng!
Ý trời đất ơi! Ba đồng một trái, ăn ít nhất một chục mới đã vậy thì có nước nhịn cho rồi. Từ đó, mỗi lần đi chợ nhìn thấy nó là tôi lãng ra xa.
Tết đến, theo thông lệ, CẦU DỪA ĐỦ XÀI, chị Năm tôi không thoát ra khỏi định luật này, năm nào cũng ráng mua để chưng ba ngày Tết cho quanh năm đừng lâm cảnh túng hụt. Đu đủ thì nhỏ xíu, xoài trái mùa trái ốm nhom ốm nhách, dừa nhập cảng bên Mễ qua vỏ gọt sẵn bọc kín bắng giấy nylon, còn mãng cầu thì xiêm hỏng ra xiêm, ta cũng chẳng là ta. Nó y hệt trái bình bát, gai chìm lĩm trơn tru, trái bằng nắm tay mà bán tới năm dollars, cúng xong ba ngày sau đem quăng thùng rác vì lạt phèo, sượng ngắt!
Tôi cứ ngó vô thùng mãng cầu, muốn mua mà ngại quá vì đang đi với chị Lan, chị đã giành phần trả tiền chung cho cả bọn mà nhìn giá thì tôi ngại ngùng. Sau cùng, tôi lấy đại một trái, chị Lan thấy bèn nói:
-Cái này là mãng cầu giả, ăn không ngon đâu!
Tôi trố mắt ngạc nhiên khi nghe chị nói mãng cầu giả. Giả , ăn không ngon! Giả sao ăn được?
Tôi hỏi:
-Giả là hỏng phải trái thiệt hả chị? Sao em cầm lên nó rõ ràng là trái thiệt mà!
Chị nói:
-Nó là trái thiệt nhưng của bên Mễ đem qua, ăn không ngon như mãng cầu của mình nên người Việt ở đây kêu là mãng cầu giả! Em muốn hả? Muốn thì mua thử một trái ăn, sẽ thấy chị nói đúng không!
Nói xong, chị cầm lấy và bỏ chung vô chổ đồ ăn đang đợi tính tiền. Tôi hơi ngại vì nó đến năm dollars một trái, sợ chị nói sao tôi mua chi thứ trái không đáng. Chị nào biết đã ba mươi hai năm tôi chưa được nhìn thấy nó, chưa được nếm lại mùi vị thơm dìu dịu, chưa chua, ngọt ngọt mà tôi hằng ưa thích.
Các bạn khác của tôi, kẻ Cali, người Florida, đã quá quen thuộc với các loại trái cây này nên không ai lấy làm lạ hết, thậm chí nhà nào cũng có trồng ít nhất một cây. Tôi ở Arkansas thuộc miền Đông Nam nước Mỹ, một tiểu bang nhỏ, quanh năm bốn mùa rõ rệt, nơi sản xuất lúa gạo, bắp, khoai. Ngoài các loại trái cây của Mỹ, người Việt Nam từ ngày đến đây định cư, đã mang theo quê hương và nỗi nhớ trong những cây tía tô, huống lủi, mồng tơi, những dây bầu, bí mướp, nhờ đó mùa hè năm nào nhà nhà trong bếp thường có nồi canh bí dồn thịt, khổ qua hầm, một hai tuần tổ chức cuốn bánh tráng cá nướng với rau vườn nhà tươi rói, không sợ thuốc trừ sâu. Chúng tôi trồng được hồng, táo, lựu, nhiều đến nổi mùa đông phải cho vô freezer cất. Còn mấy loại cây ăn trái khác thì vì lạnh quá, cây vùng nhiệt đới không chịu nổi, thỉnh thoảng các chợ Á đông có đem chôm chôm, nhãn về bán với giá rất mắc.
Tới nhà, chị Lan đưa trái mãng cầu cho tôi và biểu tôi bỏ vô thùng gạo. Ngày nào cũng vậy, sáng mở mắt là tôi mở nắp thùng gạo ra, cầm trái mãng cầu lên coi ra sao, tôi trông chờ, nôn nóng như một đứa con nít đợi má cho bánh sau khi đi chợ về. Đến ngày thứ tư, tôi vui quá…vừa mở nắp thùng, mùi thơm thoang thoảng quen thuộc thuở tôi còn ở Việt Nam mỗi khi má tôi mua về để lên bàn Phật vào ngày rằm.
Tôi cầm trái mãng cầu lên, gai đã có màu đen. Mĩm cười, tôi đưa lên mủi hít một hơi, rồi đem lại bàn ăn, từ từ lột vỏ, nhẹ nhàng cẫn thận vì sợ phạm vô trong sẽ mất bớt . Tôi đưa vô miệng cắn một cái, trời ơi…không sao diễn tả được! Ngọt lịm, thơm ngát gì đâu! Thoạt đầu tôi ăn nhanh lắm vì háo hức vì trông chờ mấy ngày nay. Được nửa trái, tôi chợt khựng lại… sắp hết rồi, tôi phải chậm chậm nhai, từ từ nuốt vì sợ hết… tôi như chết thèm từ kiếp nào, mà quả là vậy, đã trên ba chục năm rồi còn gì?
Trên bàn, mấy miếng vỏ nằm rãi rác, tôi đếm có bảy cái hột đen tuyền, vẫn còn dư vị ngon ngọt trong miệng tôi, trên lưởi tôi và trong lòng tôi, dư vị của người xa quê, nhớ nhung , khao khát nhìn lại nơi chôn nhau cắt rún của mình.
-Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào, quỳ hôn đất thương yêu…-
( trích lời trong bản nhạc Cờ bay trên thành phố thân yêu của Lê Kim Hoa).
Phải đó, tôi đang mơ một ngày trở về quê hương yêu dấu, được quỳ xuống mãnh đất ông cha , bốc lên một nắm đất để nghe lại cái mùi quen thuộc tử thời ấu thơ cho đến trưởng thành rồi khổ đau mà nuốt nước mắt lìa bỏ tất cả ra đi, sống kiếp tha hương đến hết cuộc đời!
Tôi rửa sạch mấy cái hột, cẩn thận gói lại cho vô valise để xách về Mỹ. Hôm sau, tôi lập tức ương vô chậu, đã được ba tuần, nhiều lá nhỏ li ti bắt đầu lú lên, đã có sự sống nẫy mầm từ những hột đen vô tri vô giác, mỗi ngày tôi tưới nước, nhìn những chiếc lá lớn dần, thầm nghĩ:
-Hôm đó, nếu đi chợ một mình, tôi sẽ mua một chục trái ăn cho đã!
Cảm ơn chị Lan nhiều lắm đã đưa tôi một khoảnh khắc trở lại Bình Dương với trái ngọt cây lành nổi tiếng nha. Tôi sẽ nhớ hoài trái mãng cầu ta, tuy giả mà thiệt. Thật ra, chị nói đúng, hương vị không sao bằng trái mãng cầu của dì Tư bán ở trước nhà thuốc Tây Trần Tấn thuở nào vì nó bở chẳng ra bở, dai cũng không phải là dai nhưng trong lòng tôi nó lại là trái mãng cầu ngon nhất sau mấy chục năm được nếm lại nơi xứ người.
Chị Lan ơi, chúng ta không giao thiệp nhau trên face book, chắc chắn những lời lẽ chân tình này tôi muốn gởi gấm, chị sẽ không đọc được. Thôi thì mong một dịp nào đó, nếu còn duyên may, chúng ta vẫn còn là bạn nhau, tôi sẽ quay lại Canada để cùng chị đi chợ Đức Thành mua trái mãng cầu ta bên ngoại, tuy giả nhưng mà lại thiệt ngon đó chị thương ơi!


 

Tuổi mộng mơ!

Ðông Trnh


Năm 1967, tôi lên lớp đệ Tam, nghĩa là tôi đang chập chững bước lên đệ nhị cấp. Trường Nghĩa Phương, nơi tôi học là một trường trung học tư thục lớn nhất Bình Dương lúc bấy giờ, do Kiến Trúc Sư Lê Bích làm hiệu trưởng, Thầy Thân Trọng Bình giáo sư Toán làm giám học, còn lại đa số đều từ Trịnh Hoài Đức như thầy Chu Bá Cao, thầy Phạm Đức Liên, thầy Đoàn Phế…
Tôi được học bỗng toàn phần từ đệ thất đến đệ tứ, lên đệ tam, có lẽ nhờ điểm cao ở các lớp dưới, thầy Hiệu Trưởng cho tôi chỉ đóng phân nửa tiền thôi .Cũng bắt đầu từ năm này, má tôi mua vải và dắt tôi đi tiệm may áo dài. Hôm đó, má mua về mấy khúc soir Pháp trắng, xanh nước biển, đen, xong má dẫn tôi qua tiệm đặt may. Tôi mừng lắm vì xưa giờ áo quần tôi đều do má may, nhưng trong lòng cũng có chút thắc mắc, sao nay lại ra tiệm chi cho tốn kém vậy hỏng biết nữa…má như hiểu ý tôi, nói nhỏ nhẹ:
-Con đã lớn rồi, má muốn con mặc đẹp một chút, má may theo xưa không giống bây giờ có eo, co…
Thế là tựu trường này tôi đã có áo mới may ở tiệm đàng hoàng như mấy đứa bạn khác rồi , tôi bắt đầu để tóc dài, ra đường không giỡn hớt, hàng me Lê Văn Duyệt mất đi bọn con gái phá phách mà thay vào đó là đám nữ sinh tập làm điệu, áo trắng thướt tha, e ấp nói cười nhỏ nhẹ.
Một hôm, má tôi sau khi ngủ dậy, tự nhiên than nhức đầu rồi ói mữa dữ dội. Ba tôi đưa má đi Bác sĩ, ông cho biết má tôi bị cườm mắt phải chuyển xuống Saigon mổ gấp. Ba tôi vội đưa má đi nhà thương Grall. Mấy anh Chị tôi khi đó người đi làm việc, kẻ còn là học trò, chúng tôi thật lúng túng vì không biết phải làm cách nào để lo cho má đây, sau cùng, chị Tư tôi gọi tôi nói:
-Nhà ai cũng bận, thôi mày chịu nghỉ học lo cho má đi…
Tôi không nói không rằng, gật đầu ưng thuận. Đúng vậy, ngoài tôi ra, ai có thể gánh vác chuyện này? Mấy người con trai đâu có thể nuôi má ở nhà thương, còn Chị Hai, Chị Tư đã có gia đình riêng, Chị Năm tôi thì đi làm việc ở Ty Giáo dục. Học đệ tam mới hai ba tháng, tôi phải bỏ học ngang với số vốn hiểu biết không đầy lá mít. Tôi nghe buồn vô hạn vì phải xa đám bạn thân thương, nhớ con đường lá me mỗi khi đi học, mỗi cơn gió thoảng qua, tôi ngượng ngùng nắm hai tà áo, những chiếc lá vàng li ti bay tung khắp bầu trời, vương lên mái tóc dài đen nhánh giống như thuở nhỏ chơi trò đám cưới, tụi này lấy giấy đũ màu cắt nhỏ ra để quăng lên đầu cô dâu.
Sau một tháng, sức khoẻ má tôi dần hồi phục, tôi cứ tối ngày quanh quẩn trong nhà, phụ má lo cơm nước, sống đời buồn chán vì nhớ cái lớp học có ba dãy bàn, đám con trai ngồi hai bên, nhớ những trò chơi nghịch ngợm của tụi con gái, len lén cột vạt áo đứa này vô vạt áo đứa kia, đến giờ chơi, mấy đứa đứng lên ra ngoài xém té, cả bọn cười lăn chiên..tôi lại nhớ những bức thư tình viết vội trên giấy học trò nhét vô hộc bàn, sáng vô tình cờ bắt gặp, mấy tụi này chuyền nhau vừa đọc vừa cười khúc khích, thỉnh thoảng lén nhìn dãy bàn bên cạnh, nơi đó, mấy đứa con trai cũng đang tụm năm tụm ba xầm xì to nhỏ…
Bỏ học cả tháng, chữ nghĩa cũng đang dần bỏ tôi, phải làm gì đây? Tôi cứ suy nghĩ và không có câu trả lời. Ít hôm sau, tôi đã có quyết định. Tôi đến trường trong giờ học, vô văn phòng, gặp Chị Lam đang là thư ký ở đó. Chị có giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát, dáng người thon thả nét mặt xinh xắn, chị hỏi tôi sao bỏ học lâu vậy và hôm nay có chuyện gì cần. Tôi nói với Chị là muốn gặp thầy Hiệu Trưởng. Chị Lam cho biết thầy đang có giờ dạy trên lớp. Thầy Bích vừa là hiệu trưởng mà cũng vừa dạy Pháp văn các lớp đệ nhị và đệ nhất. Nét mặt thầy rất nghiêm, hiếm khi thấy thầy cười, có thể nói là đám học trò từ nhỏ đến lớn đều rất sợ thầy, không hiểu hôm nay tôi có uống thuốc liều hay không mà lại dám cả gan đến xin gặp thầy vậy nè…nghĩ tới đó, tôi bắt đầu nghe run run, thối chí, cứ thấp thỏm đứng lên, ngồi xuống, muốn đi về cho lẹ vì sợ lát nữa hỏng biết có bị la không?
Reng…reng…reng…
Chuông reo báo hiệu giờ ra chơi, tim tôi nhảy loạn xạ, tôi lật đật đứng lên nói với chị Lam:
-Em đi về Chị ơi!
-Sao vậy? Em nói muốn gặp thầy Hiệu trưởng mà!
-Thôi, em đỗi ý rồi, em đi về nha..
Vừa nói, tôi bước vội ra cửa văn phòng và cũng đúng lúc thầy Bích bước vô. Tôi hết hồn hết vía, lí nhí : 
-Thưa …thầy…
-Chuyện gì vậy? Sao bỏ học cả tháng rồi? 
-Thưa..thầy..
Tôi lại im lặng không dám nói gì nữa hết. Thầy không nói gì, bỏ lại bàn ngồi lấy thuốc ra hút. Chị Lam bước đến khều nhẹ tôi:
-Cần gì thì nói đi..
Rồi Chị đẩy tôi đến phía bàn thầy Bích…
Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, tôi đứng trước mặt thầy, nín thở, nói một hơi:
-Thưa thầy, em tới để xin với thầy cho em một buổi làm việc ở văn phòng, một buổi tiếp tục học vì em nghỉ học lâu quá nên học bỗng đã bị cắt rồi!
Thầy nhìn tôi rồi hỏi:
-Có làm việc nổi không mà xin? 
Tôi đáp không do dự:
-Dạ nổi.
-Thôi được rồi, sáng mai đi học lại, thầy không lấy tiền học, còn nếu muốn làm việc thêm thì cứ làm, mỗi tháng thầy trả bốn ngàn đồng.
Trời đất ơi, nghe qua tôi mừng hết lớn luôn vậy đó. Tôi lật đật cám ơn thầy rồi dong lẹ vì sợ thầy đỗi ý thì tiêu!
Về nhà, tôi mừng thiệt mừng, khoe với má. Má tôi rầy tôi quá, má nói:
– Con cứ học lại chứ đâu cần đi làm, hỏng lẽ nhà không đóng nổi tiền học cho con sao? 
Tôi vội đính chánh với má rằng tôi muốn đi làm thêm để có tiền mua những gì cần thiết mà không phải xin má nữa thôi. Má tôi nói tuỳ tôi nhưng phải ráng học cho đàng hoàng.
Ngày hôm sau, tôi hăng hái trở lại trường, mang cảm giác của một đứa học trò mới, hơi ngại ngùng bước chân vô lớp, bỡ ngỡ với bạn bè dù tất cả vẫn thân thiện cùng tôi. Nói thật nha, chưa bao giờ tôi nghe vui như vậy, tôi cứ tưởng mình chiêm bao sau những ngày buồn vì cứ nghĩ không biết sẽ làm gì với cái bằng Trung học đệ nhất cấp trong tay.Tan học, tôi vội về nhà, không lang thang mơ mộng, không ghé xe nước đá đậu đỏ bánh lọt nữa,tôi vội vã trở về, ăn cơm trưa rồi nghỉ ngơi một lát trước khi tới trường, lần này không phải là cô học trò lớp đệ tam mà lại là cô ký điệu của văn phòng, có bàn làm việc hẳn hoi nha! 
Có lẽ thầy Bích đã dặn trước, khi tôi đến trường, Chị Lam giao cho tôi công việc sắp xếp hồ sơ học sinh và vài chuyện lặt vặt khác. Chị thương tôi như em gái nên rất tận tình chỉ bảo, những ngày nghỉ, tôi và chị thường rũ nhau đi chợ hoặc vài lần đi thăm ba chị đang tu tại gia ở ngã năm Bình Hoà. 
Thầy Bích rất tốt bụng nhưng cũng nóng tánh lắm. Sau vài tháng làm việc, thầy chỉ tôi sắp thời khoá biểu giờ dạy cho các giáo sư. Lúc đầu tôi có hơi lúng túng nhưng rồi sau một hai tuần, tôi đã quen, không còn gặp trở ngại nữa. Một hôm, tôi vừa đến cửa văn phòng, thầy thấy tôi tự nhiên la thật lớn:
-Em làm việc gì mà ngu ngốc vậy? Sắp giờ tầm bậy hết trơn, đồ ngu…
Tôi hoảng kinh hồn vía, mặt mày xanh lét ngậm câm lại không nói được gì hết. Chị Lam ngó tôi mặt mày cũng không hơn gì tôi. Vài phút sau, tôi lấy lại bình tĩnh, đến bên thầy hỏi tôi đã làm sai chuyện gì. Thầy chỉ tấm bảng xanh ghi thời khoá biểu nói:
-Coi đi, làm việc gì mà ngu như bò!
Lần này tôi không kềm chế được nữa, nước mắt chảy dài, tôi bỏ ra khỏi văn phòng về nhà một nước. Rõ ràng là tôi không làm điều gì sai hết, bảng sắp giờ rành rành ra đó sao thầy lại chửi tôi thậm tệ vậy nè trời?
Một tuần sau, chú Hai lao công trường đến nhà nói thầy Bích cần gặp, tôi đã quyết định nghỉ việc và chuyển đến trường khác học nên từ chối, chú Hai cố gắng thuyết phục tôi nên tới coi thầy muốn nói gì. Thôi thì tôi đành đến, trong bụng nghĩ thầm: Thầy mà chửi em nữa thì em cũng sẽ bỏ về như lần trước.
Nghĩ cho mạnh vậy mà khi đến trường vừa gặp thầy tôi cũng nơm nớp lo, không biết bữa nay ông nói tôi ngu như con heo hay con bò đây!
Trái với sự lo nghĩ của tôi, thầy không chửi mà hỏi nhẹ một câu:
-Bộ em giàu lắm hả? Nghỉ việc cũng phải quay lại lãnh lương chứ!
Ý da…tôi mừng quá, không bị chửi mà được phát tiền…tôi nói:
-Dạ em không dám tới vì sợ thầy, mà em thưa với thầy rõ ràng em đâu có làm gì sai đâu mà bữa hổm thầy la em dữ vậy?
-Tôi coi lộn nên hiểu lầm, em đúng. Thôi, làm việc tiếp đi, bày đặt giận với hờn!
Thiệt là hú vía! Tôi lại nối tiếp quãng đời vừa học, vừa làm trong ba năm liên tiếp, có lúc thật vui cũng lắm khi rơi nước mắt vì thầy hiệu trưởng nóng tánh, mỗi khi làm gì sơ sót là ông là mắng xối xả vô mặt. Chị Lam cũng rất nhiều lần bỏ về như tôi và rồi cũng quay lại vì thầy không cho nghỉ.
Cuối cùng thì tôi cũng đã học xong Trung học bảy năm với mãnh bằng hạng thấp nhất nhưng cũng mãn nguyện với số vốn kiến thức căn bản, tuy không qua ghế trường đại học vì tôi chỉ muốn bắt chước mấy đứa bạn đi làm việc nhưng tôi cũng có được một chút hành trang trong cuộc sống sau này.
Giờ đây, viết lại những dòng chữ dưới đây, tôi vẫn nhớ ơn thầy Lê Bích, hiệu trưởng trường Nghĩa Phương đã hết lòng giúp đỡ để tôi có cơ hội học hành đến nơi đến chốn.
Thưa thầy, em xin nói lên lời cảm ơn thầy nhiều lắm vì nếu thầy không cho em cơ hội thì chưa chắc gì về sau em đã có một thời gian dài mười năm đi dạy học, để được truyền thụ lại sự hiểu biết của mình cho đàn em nhỏ phải không thầy? Một lần nữa, xin thầy nhận nơi đây lòng biết ơn của em, của đứa học trò vừa nhút nhác mà cũng vừa ương ngạnh, hở chút là giận bỏ về và rồi thầy lại bao dung cho em được tiếp tục làm việc, tiếp tục học . Em xin Kính chúc thầy vẫn luôn vui, khoẻ nha thầy!
Em Đông
Dong Trinh


 

Ly sâm bổ lượng ngày xưa

Lâm Quang Khải

Khoảng năm một ngàn chín trăm năm mươi lăm, năm mươi sáu, Bình Dương, sinh hoạt về đêm, sao êm đềm quá, phần đông bà con đi vào giấc ngủ như mặt trời lặn hồi chiều rồi, họ đi ngủ sớm, để chuẩn bị buổi chợ ngày mai, coi như phần sinh hoạt chánh trong ngày.
Ba tôi, hay dẫn Má con chúng tôi đi ăn đêm. Ăn đêm hả, có cái gì, ngoài ăn đồ ngọt, còn gọi là đi ăn sâm bổ lượng. Tiệm nầy, nhỏ thôi, nằm ở dãy tiệm của lồng chợ, đầu chợ dưới, gốc đường vô rạp hát. Đầu chợ dưới có hai ngã đi vô lồng chợ, một phía Thái Lập Thành; một phía Đoàn Trần Nghiệp, Từ cửa chợ nầy, bỏ một căn, là tới tiệm hớt tóc, rồi tới tiệm bán chén dĩa. tiệm nầy đối diện với Ngọc Và Ngà, bạn tôi ( tiệm Thầy thuốc Lê văn Nếp. Giờ nầy ban đêm, mấy tiệm đã đóng cửa hết rồi. Chỉ có tiệm bán đồ ngọt, còn gọi là tiệm Sâm bổ lượng là mở cửa thôi. Lẽ ra thì gọi là chè Sâm bổ lượng, nhưng hổng biết sao, người ta nuốt mất chử chè rồi. Tiệm khoảng năm sáu thước vuông thôi . Cái xe bán đồ ngọt, đậu chắn góc phải. Ông chủ đứng bán phía trong tiệm, mép ngoài của xe, có dư một tấm ván, làm cái bàn, bà con bắt mấy cái ghế đẩu, ngồi ăn. Vậy cửa vào trong tiệm còn khoảng trống, gần hai thước, để đi vào.
Không khí ở trong tiệm, không có ồn ào lắm, thanh bình của một khung cảnh đất nước còn thanh bình chăng? Đám con nít tui tui hân hoan sung sướng trong lòng lắm, kêu món ăn cũng nho nhỏ, ăn uống, húp chè cũng nhẹ nhàng , nghiêm trang lắm. Ly sâm bổ lượng được dọn lên, mấy cọng lổ (phổ) tai xanh xanh, mấy hột bo bo trắng nhỏ, vài ba hột đậu xanh còn nguyên vỏ, thêm mấy cọng rau câu trắng, à, một trái táu Tàu lớn bằng đầu ngón cái, coi đã con mắt làm sao nhai vào, vừa mềm vừa ngọt, lại thêm cái bùi béo của hột sen, húp vào cái nước màu màu vàng lợt của nước nhản nhục, , à thêm cái hột bạc của, cắn nghe cảm thấy dai dai, vị lạt, hơi đắng một chút, hòa lẫn với các vị như đã kể trên, ôi ! nghe nó đã gì đâu!
Che nóng thì có chè táo xọn, cái này lạ à nhen, hổng thấy ở nhà Má nấu, hay mấy gánh chè bán. Ba thì ăn thêm hột gà trà, hột gà màu trà đậm, xắn cái trứng gà làm hai làm ba ra. Phần trứng chin, vỏ hột gà một bên trắng, một bên xậm màu trà, húp vừa nhai nhẹ màu trà ngọt lịm với chén trứng gà dầm đó, đã lắm , đã lắm.
Cả nhà về, Bình Dương ban đêm lúc đó, thanh bình và hiền hòa làm sao ! Ăn đồ sâm bổ lương, lòng mát nhẹ, dêm về ngủ rất ngon.
Vài năm sau, có vụ đi ăn kem Tứ Hải về đêm nữa, đã kể mấy bài trước rồi.
Chiến tranh, rồi lại chiến tranh, chợ Bình Dương mở rộng hàng quán thêm, đó là câu chuyện về sau.
Sâm bổ lượng dời lên một đỗi. … Đây là khoảng sân ngang hông nhà Bác Năm Đại . Khu quầy quán Thái Bình Dương. Ly sâm bổ lượng ngày xưa, và nay ( lúc một chin bảy mươi) khác nhau ở chổ, có cho vài muổng sửa đặc con chim vào. Cái ngọt nhẹ xưa, nay thim vào cái ngọt đậm mùi sửa con chim.
Trên mặt xe có một dãy nồi bằng đồng màu vàng sáng loáng. Mỗi cái nồi chia làm ba ngăn, theo đó, chè nóng để chung một nồi và chè nào ăn lạnh thì để chung nồi đó. Tôi nhìn thấy chè nào cũng hấp dẫn quá, táo soạn, hột sen, đậu xanh còn nguyên vỏ, mỗi ngăn một thứ , chè nước trà đậm với trứng gà luộc đậm màu trà thơm ngào ngạt, cạnh đó, nồi phổ tai, hoài sơn, bo bo vun cao, rồi nhàn nhục đang sôi nhè nhẹ mùi thơm nức mũi. Còn có đậu đỏ, bạc của, ở hai bên đầu xe thì ly, chén, muỗng sắp hàng ngay ngắn, chú bán chè luôn luôn mặc xà lỏn đen, sơ mi trắng , chú mập mạp, miệng lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc . Lâu lâu tôi cũng có ăn món chè trà hột gà, mùi thơm trà, ngọt dịu, trứng gà beo béo mùi tanh tanh nhè nhẹ, ăn ngồ ngộ vì đây là món chè chỉ có xe đồ ngọt của Tàu mới bán mà thôi.
Cạnh đó là xe bánh cuốn khiêm nhường nép gần bên, một cái xửng hấp, lúc nào cũng bốc hơi, tấm thớt nhỏ, con dao, cái kéo bày trên mặt xe, vài chai nước mắm pha sẵn, hủ ớt đỏ au, cây chả lụa có lá chuối bọc bên ngoài, khách vừa ăn bánh cuồn nóng hổi vừa hít hà vì cay, ăn xong còn luyến tiếc vét mấy cọng giá luộc rồi bưng dĩa nước mắm húp rột rột, bỏ dĩa xuống, khách khà một tiếng nghe cho đã rồi bắt đầu với ly sâm bổ lượng mát lạnh , thấu cả cõi lòng. Tui vừa ăn vừa nhìn cảnh vui nhẹ quanh mình,
Đây là khoảng đường ngang hông nhà Bác Năm Đại ba của anh Hiệp bạn tôi. Xe sâm bổ lượng nầy, xe đậu song song với mặt đường, góc tiệm gạo. Mấy bàn cho khách thì đặt rải rác, bên đường hông nhà, và bên lề đường trước nhà ông Năm, bên trong, sân rộng trước nhà, khoảng khoát có trồng nhiều cây kiểng. Khách ngồi ăn cảm thấy vui với ly chè mát lạnh, ngoài đường người qua kẻ lại, xe cộ dập dìu, tôi ngó thấy chú bán chè múc thoăn thoắt nào một nhúm hoài sơn, hai muỗng bo bo, một chút phổ tai, hai trái táo tàu, nhãn nhục, rồi chú bào nước đá vô ly, chan vài muỗng nước đường. Chè nóng thì chú múc trong chén, bà vợ lo thu tiền, thằng con trai bưng chè hết bàn này tới bàn kia, còn bận rộn tính tiền, chú nhỏ này giỏi thiệt, từ lúc tui đến, thấy chú tất bật với khách, lăng xăng chạy tới chạy lui, không ngưng nghỉ….
Chè sâm bổ lượng là món giải khát có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc – với tên gọi chính xác là “thanh bổ lượng”, nghĩa là món ăn thanh nhiệt, bổ dưỡng.
Khác với nhiều món chè thông dụng bạn đã biết, chè sâm bổ lượng có vị ngọt rất thanh do không có nhiều đường và đường được thêm vào mỗi lần chỉ một ít, vừa đủ làm ngọt các nguyên liệu một cách tự nhiên.
Món chè này hay ở chỗ mùa hè bạn thêm đá khi ăn, còn mùa đông ăn nóng cũng rất ngon. Với những thành phần bổ dưỡng, thanh lọc cơ thể; chè sâm bổ lượng giúp bạn dễ dàng đánh bay cái nóng của mùa hè hay chống chọi với cái giá rét của mùa đông, khiến bạn cảm thấy mình lại tràn đầy năng lượng và thật khỏe khoắn.
MTL 24.03.2017 .

Gánh chè đậu xanh

Ai chè đậu xanh bột khoai nước dừa đường cát …hôn…hôn… hôn ?

Ai chè … (tiếng è. nhè nhẹ và kéo hơi dài ) … đậu xanh (hơi lên giọng) bột khoai ( xuống giọng hơi nhè nhẹ)nước dừa đường cát… át át ( vần át lên cao) hôôôôôônnn.

Từ đàng xa,góc nhà Làng Hùng Vương, ngòn đèn dầu leo lét trong bóng đêm cùng tiếng rao lạnh lãnh của dì Hai đang đi lần về hướng nhà tôi. Dì đặt gánh chè nặng trĩu trên vai xuống ngay hàng ba trước cửa, mấy chị em tụi tôi đang chơi giỡn, vội chạy tới ngồi quanh đó. Một đầu giống là nồi chè bự thiệt là bự được để trên cái lò đất, trong đó, một nhúm than hồng vừa đũ để giữ nóng nồi chè. Đầu giống bên này, dì để một cái rổ lớn trong đó úp chén, muỗng. Dưới cái rổ là một thau nước nhỏ. Sau khi từ từ đặt gánh xuống rồi, dì rút cái ghế nhỏ giắt kế bên thau nước ra rồi dì đặt đít ngồi lên đó.

Con một chén – Con một chén nha dì… đám con nít lao nhao kiu, dì mĩm cười hiền lành nói: – Từ từ, từ từ… Cái chén của dì nhỏ hơn chén ăn cơm một chút, dì quay qua đầu bên này, dở nắp nồi….hơi nóng bốc lên tỏa ra mùi thơm lên, đám con nít nuốt nước miếng khi ngó vô nồi chè đang sôi nhè nhẹ, mùi đậu xanh, mùi nước cốt dừa, mùi lá dứa mà dì đã khéo léo cột lại thành một nùi dài khoảng hai tấc, thả vô nồi trong lúc nấu…tất cả quyện vào nhau thành một mùi thiệt đúng là mùi … ‘’ chè đậu xanh bột khoai nước dừa đường cát’’. Dì kê chén xít lên miệng nồi một chút, múc vào chén, chén nào chén nấy đều đặn như nhau. Tôi cầm chén chè nóng trên tay, cái muỗng thiếc nhỏ hơn muỗng của xe mì chú Gấu trên bãi đất trống nhuộm đồ. Ý dà da…sao mà đã quá, đậu xanh được đãi vỏ, còn y nữa hột, màu vàng nghệ mềm vừa phải, lẫn lộn với bột bán li ti, mấy cọng bột khoai trong trong đeo dẽo, dừa xắt cọng dài dài, trắng phau lớn hơn cọng nhang… dừa ăn mềm mềm béo béo, vì cơm dừa non, miếng nhai, mềm beo béo, rồi còn mấy cọng lổ (phổ) tai xanh xanh giòn giòn cắn nghe xừng xực . Tôi khoái nhất là trái táo nên để dành ăn sau, màu táo đỏ, ngòn ngọt, thơm thơm táo Tàu, tui bưng cái chén lên, húp nước từ từ… Chà, ngon sao là ngon …màu nước trắng đục của nước dừa pha lẫn màu vàng đậu xanh …tôi từ từ nuốt vô cái ngọt cái béo đó nó đang dần dần qua cuống họng, dẫn xuống bao tử tôi…trả chén cho dì, tôi vẫn còn nghe thèm thuồng cái dư vị còn sót lại trên đầu lưởi .
Món chè đậu xanh, bột khoai, nước dừa đường cát trắng rất đặc biệt của miền Nam . Và cũng rất ngon nhờ cách nấu rất đăc biệt của những gánh chè gánh gánh của làng quê xưa . Chè gánh nầy và những ly chè của xe bán nước đá đậu đỏ, đậu xanh vị nó có khác nhau. Bên ăn nóng, một bên ăn lạnh, độ ngọt và cách thức bỏ bỏ đường, và cách bỏ nước dừa có khác biệt nhau.
Con nít tới người lớn, ăn riết bắt ghiền luôn….

Ai chè đậu xanh bột khoai nước dừa đường cát hôn hô…ôn hôn. Tiếng rao hàng lanh lảnh vang lên xóm chợ.

Từ đầu chợ dưới , gánh chè quẹo xóm vô xóm Bạch Đằng, tới nhà Phượng, anh Dứng, tui xóm nhỏ bắt đầu kiu…chè..chè …Và gánh chè dừng lại tại góc đường trước tiệm gạo Quảng Thành Xương. Trên sàn xi măng , gần cột đèn dây thép đen, tại bến xe ngựa; đó là sân khấu của những gánh chè, của những gì ngày xưa thân ái.
Những gánh chè , chè đậu xanh, ”bột khoai nước dừa đường cácc hôn” (Cáccc, là viết theo cái âm điệu của người rao hang mà,) Ai ăn chè đậu đen hôn, chén chè đậu đen, ngọt lịm nước hơi sền sệt của đậu đen, cái bùi của đậu, cái dai dai của bột khoai, cái ngọt lịm của nước chè đậu đen. Chè đậu nước dừa đường cát hôn, chè nầy đặc, có chan một miếng nước cốt dừa sền sệt lên mặt chén. Cái mềm của nếp, cái béo nhẹ của mấy hột đậu trắng hòa lẫn với cái béo ngậy của nước cốt dừa, bản hợp ca này trong miệng, nó đã làm sao ! Ai tàu hủ hôn, cái mềm mềm của tàu hủ trắng cộng với cái ngọt của nước đường tán nong nóng, thơm mùi gừng, và mấy sợi gừng . Ai ăn xưn xa hột lựu hôn. Ai xôi vò cơm rượu hôn . Ai ăn Bông cỏ Sương sâm hôn, ai tàu hủ nước đường hôn . Ai bánh canh của chè đậu hôn Ai bánh canh cá hôn? Những món nầy, có cái bán về đêm, hay ban trưa ban ngày.

Và gánh ‘’ai ăn bông cỏ hôn ‘’ lại sớm vắng bóng, và về sau, tuyệt tích giang hồ ! …những lời rao lạnh lãnh ngọt lịm tận đáy lòng với chữ … hô..ôn hôn…ôn… kéo dài thân thương làm sao của Dì Tư, Chị Bảy, dì Hai, tiếng ‘’hônn’’ đó hôn nhẹ vào người của dân xứ Thủ . Những gánh chè bắt đầu từ xóm ga Xe lửa, từ Bưng Cải , xóm mương, ngày hay đêm, đêm đêm nặng trĩu, trên vai gánh. Vai có oằn, nhưng để đem cho bà con hương vị ngọt ngào của đời, còn các dì ,các Chị vẫn miệt mài, đôi khi pha lẫn đắng cay trong những đêm mưa phùn gió lạnh , lạnh lẽo với gánh chè nóng hổi ế ẩm…mang về cho các con hôm sau ăn trừ cơm, Ôi những gánh chè độc hành nhưng mãi xuyên suốt của xứ Bình Dương của chúng tôi!

Chè nóng hổi, vừa thổi vừa ăn!

Sân khấu cuộc đời, sân khấu của những gánh chè, trên nền xi măng, ngọt lịm chè xưa, những gánh , đó mãi trong tâm khảm của chúng ta.

Mông lệ An, MTL, 25.03.2017.

 

Mô tô bay, hồn ta bay về Thủ

Lâm Quang Khải

Thủ Dầu Một xưa hồi, cái hồi năm năm mươi mấy. Giải trí của xóm chợ Thủ của mình, là thỉnh thoảng ở rạp Trần Trung của ông chủ Hiếu có gánh hát cải lương hay hát bội về hát cho bà con coi, niềm vui của tỉnh nhỏ, chỉ nhỏ bé thế thôi.
Để quảng cáo cho mấy đoàn hát nầy, là mấy chiếc xe ngựa đang chạy từ chợ dưới lên,
Tiếng trống thùng thùng của xe ngựa, hai bên hông xe, gắn mấy cái hình đào kép, màu sắc thiệt đẹp, xe ngựa có gắn cái loa thiệt bự, hát máy bài vọng cổ mùi mẫn của Hùng Cường, Ngọc Hương nghe điếc cái lỗ tai luôn. Một anh ngồi kế chú đánh xe, đánh trống liên hồi, sau xe, có ông già ngồi rãi mấy cái tờ brồ gam quảng cáo đũ màu, đám con nít chạy theo sau, xúm nhau lụm mấy tờ quảng cáo đem về coi, để biết tối nay hát tuồng gì.
Mấy gánh đó là có bán giấy hát, còn thỉnh thoảng mấy đoàn hát Xiệc Sơn đông, con nít coi khỏi trả tiền. Mấy gánh hát dạo bình dân nầy, thường hát ở ‘’sân khấu ngoài trời’’, khi thì đầu chợ trên, lúc thì đầu chợ dưới.
Gánh hát, hát đến rồi lại đi, để lại sự yên lành của tỉnh lẽ .

Miếng đất trống đường Thái Lập Thành ngày xưa đó, hôm trước tôi có nhắc tới, chổ mấy ông người Tàu nhuồm đồ đó. Có xe mì Chú Gấu bán ngay trước hàng ba căn tiệm Thúc Ký sát bên miếng đất nhuộm đó mà chỉ bán lối chừng tám giờ tối cho tới hai ba giờ khuya, Lúc nầy chưa có giới nghiêm.
Thỉnh thoảng có một đoàn xe mô tô bay về đây biểu diễn.
Trò này, phải nói là hào hùng, rùng rợn và..có tàn bạo theo trong ý nghĩ non nớt của tui con nít thời đó.
Hồi đó, lâu lắm rồi, mỗi lần đoàn mô tô về tới, nơi này nhộn nhịp lên,
Mô tô bay này , màn hát xiệc một thời gắn bó của tuổi thơ.
Cái rạp xiệc hình tròn, được lắp bằng khung sắt, mấy tấm ván được ạp vô xung quanh khung sắt . Những miếng ván không sơn phết màu mè mà mộc mạc,cao chừng năm sáu thước, ghép lại thành một cái hình ống tron, có đường kình cỡ tám thước. Bên ngoài hình ống đó là một cái hành lang vòng xung quanh, có cầu cho người ta leo lên. Họ dán thêm vài tờ áp phích đũ màu hoặc băng rôn có hình mô tô cùng các diễn viên để giới thiệu.
Tui là một trong những khán giả trung thành của mấy cái trò giải trí bình dân này. Một ngày, họ biểu diễn hai xuất, trưa và tối. Tui thì khoái đi coi buổi tối hơn vì có đèn màu, coi đã mắt lắm. Tới giờ trình diễn, lũ trẻ lao nhao:
-Ê tụi bây ơi, vòng tròn vậy làm sao họ chạy được hé?
Đứa khác tỏ ra mình sành điệu, đã từng coi trước đây, liền vênh mặt nói:
-Thì nó bay lên nên người ta mới kiu là mô tô bay, vậy mà cũng hỏi!
Lúc trẻ vẫn hồ nghi, mắt cứ dán xuống nền đất, nơi có sẵn mấy chiếc mô tô. Thình lình, tiếng loa vang lên:
-Chú ý! Chú ý! Mời bà con giữ trật tự, giờ trình diễn bắt đầu!
Tiếng loa vừa dứt , một anh thanh niên từ trong, chạy xe đạp ra, chạy vòng vòng phía dưới thành gỗ, màu xanh đỏ chớp lập lờ, tiếng nhạc xập xình…thình lình, vách thành chợt rung lên cà…rầm … cà rầm .
Sau đó mới là những chiếc mô tô nối đuôi nhau. “Rình, rình, rình rình”, tiếng máy xe máy bịch (mô tô) nổ giòn giã, chiếc xe máy bịch ( tiếng máy chạy nghe bình bịch), từ một cừa nhỏ chạy tọt vào “lồng”.
Một, rồi hai, ba chiếc xe vèo vèo đan vào nhau nhanh đến độ chẳng còn nhận ra chiếc nào với chiếc nào. Kế đến là những màn khiến khán giả muốn “rụng tim” vì lo sợ. Các tay lái thả một tay rồi thả hai tay, rồi cởi áo khoác, quay áo vòng vòng rồi mặc áo vào, rồi đứng, nằm trên xe trong tiếng vỗ tay rần rần của khán giả. Màn trình diễn sẽ trở nên “nghẹt thở” hơn với sự xuất hiện của một diễn viên nữ.
Vì là sân khấu mở, khán giả đứng ở trên nhìn xuống lòng chảo nên có những lúc, chiếc mô tô bỗng bay lên, gần chạm khán giả khiến những người đứng gần ré lên, dạt hết ra ngoài, rồi nó nhanh chóng hụp xuống, kéo đám khán giả trở về vị trí cũ, say sưa thưởng thức tiếp.
Tui nín thở theo dõi, lũ nhỏ xung quanh la hét, có đứa sợ quá, bịt mắt lại khóc um sùm…trong phút chốc, chiếc mô tô đã bay lên cao chót của vách thành, nhiều người hoảng kinh hồn vía lui ra sau vì sợ xe đâm vô mình, có kẻ bịt mắt lại không dám coi…tiếng xe rú vang, mùi khói, mùi xăng trộn lẫn nhau..tui say mê theo dõi…thành ván cứ rung lên, như động đất, lắc lư theo vòng tròn hai bánh xe…rồi một chiếc kế cũng bay lên theo, mọi người đang còn hồi họp…chiếc thứ ba thình lình xuất hiện..
Ý ghê quá coi chừng đụng, coi chừng…tiếng vỗ tay, tiếng la mỗi lúc một lớn, một anh bắt đầu buông tay ra nắm lấy tay anh kia, anh thứ ba phóng tới thiệt lẹ đưa tay nắm tay anh thứ nhì…cha, đây là giờ phút gay cấn dữ nhe..tim tui đập lên thình thịch, mắt thì cứ theo dõi cái trò chơi kinh hoàng…
Mười lăm phút biểu diễn, mấy anh này đã đưa khán giả từ hồi họp đến thở phào nhẹ nhõm sau khi đèn bật sáng…tiếng vỗ tay rân trời….tui theo đoàn người lục đục bước xuống cầu thang, nghĩ trong bụng: vui mà thấy ghê muốn té đái luôn!
Xin thêm vô , đoạn em Gái nhà Làng của tui, đi coi mô tô bay., em nói với tui ‘’chắc có lẽ’’ người ta dời mô tô bay lại đây, vì nếu có xập nhà, thì người ta té xuống bãi cỏ, nó ‘’im hơn’’, em kể, nghe thấy thương quá đổi, chiện như dầy :
Chiều nay má dọn cơm sớm vì ba tui hứa dẫn tui với anh Út đi coi mô tô bay. Tui nghe vui quá, ăn thiệt lẹ, háo hức để được đi coi cho biết.
Trời vừa chạng vạng, anh em tui đã sẵn sàng, ba dẫn đi về hướng nhà làng, tới miếng đất trống ngó ngay qua cái nhà thiệt bự có chữ TOÀ ĐẠI BIỂU CHÁNH PHỦ MIỀN ĐÔNG NAM PHẦN. Ở đó thiệt là nhộn nhịp, đèn đuốc xanh đỏ sáng trưng, tiếng nhạc xập xình. Ba tui mua vẻ xong dẫn anh em tui leo lên một cái cầu thang ọp ẹp, tui nghe hơi run vì nó cao quá. Lên tới nơi, tụi tui đứng sát vô cái vách bằng cây, ba tui nói đó là cái sân khấu để người ta biểu diễn. Mà cái sân khấu này nó ngộ lắm. Nó tròn quay, từ trên cao dòm xuống tui thấy nó sâu thăm thẳm , tui nghĩ lỡ mà nhào đầu xuống chắc là tiêu tùng…người ta càng lúc càng đông, văng vẳng tiếng rao:
-Cà rem cây đây, cà rem đậu xanh, đậu đỏ, sầu riêng năm cắc một cây đây!
-Mía ghim đây, năm cắc một xâu đây!
-Thuốc lá, Ruby, Bastos xanh, Bastos đỏ, Capstan đây…
Ôi thôi đũ thứ hết, người này kêu mua, kẻ nọ chạy tới lựa…ba tui cũng mua cà rem cho hai anh em tui, ăn nghe mát lạnh, đậu xanh bùi bùi nghe đã gì đâu…tui còn đang ngó dáo dát thì nhạc ngưng hẳn, tiếng nói trong loa thiệt lớn:
-Chú ý! Chú ý! Mời bà con giữ trật tự, giờ trình diễn bắt đầu!
Vài phút sau, tiếng nhạc nổi lên trở lại, đèn màu chớp lia chớp lịa, một anh rồi một anh chạy xe đạp ra, họ đạp vòng vòng dưới sân, từ từ..từ từ…đột nhiên mấy ảnh chạy lên vách sân khấu, cái vách bằng cây tròn quay và cao thiệt là cao mà sao mấy ảnh leo lên chạy, rồi tới chừng muốn xuống thì làm sao he?.. Mà mấy ảnh chạy hay lắm, cứ vòng vòng lên xuống ròi từ từ xà xuống đất, chào mọi người. Tiếng vỗ tay vang lên…rầm ..,rầm…tui hết hồn khi một chiếc xe mô tô phóng ra thiệt lẹ, chạy lên vách thành cái vèo…vách thành rung rinh, mấy miếng cây kêu eng ét, tui run theo từng bánh xe mô tô, rồi tới chiếc nữa, chiếc nữa đua nhau lượn tới lượn lui, họ còn cả gan buông tay ra, vừa chạy vừa chào mọi người…mấy đứa nhỏ đứng gần tui la inh ỏi, đứa thì thích, đứa thì sợ. …tiếng nhạc dồn dập, tui cứ né người ra sau mỗi lần họ lên cao, tui cứ nghĩ họ sẽ bay ra ngoài vì họ kêu là mô tô bay..nhưng mà họ chỉ chạy trong đó thôi . Mồ hôi tui nhỏ giọt vì sợ, vì nóng, tui nắm chặt tay ba tui lại, trong bụng vái trời cho cái sân khấu này làm ơn đừng sập nha!
Vài phút sau, mấy ảnh chạy xuống đất, đậu xe lại, tiếng vỗ tay rân trời, tiếng huýt sáo hoét hoét thiệt lớn, khách coi đồng khum đầu xuống chào mừng mấy anh đó biểu diễn thiệt là hay!

Nghệ sĩ Bạch Yến, và em bé mô tô bay ngày xưa .

Hồi đó, nghe mấy người lớn kể lại, ca sĩ Bạch Yến, lúc nhỏ, với tên gọi là em bé mô tô bay .
Cô kể lại, ít ai biết được cô đã trải qua một tuổi thơ đầy cơ cực, khi cha cô muốn đưa gia đình về sống ở Nam Vang trong khi mẹ của Bạch Yến lại muốn ở lại Việt Nam để các con không bị mất gốc. Cha mẹ chia tay, cô phải gồng vai phụ giúp mẹ bằng việc gia nhập một gánh xiệc với vai trò người lái mô tô bay.
Rất may mắn là có một người cậu dạy cho đi moto bay, điều này chỉ cần can đảm và chịu khó luyện tập là mình có thể trở thành một nghệ làm xiệc mô tô bay. Nhưng rồi sau khi trình diễn mô tô bay hơn hai năm, gần ba năm, lần chót cùng biểu diễn ở Hội chợ Thị Nghè bị té xuống…
bầm bên màng tang, rồi dập vài cái xương sườn, không ngờ ngày nay, khi mình có tuổi, mắt mình có vết nứt, nên hơi khó khăn một chút, không được thấy rõ một bên.
Mô tô bay, hồn ta bay về Thủ .
Đã từng vang bóng một thời, nhưng theo năm tháng ngày, các đoàn mô tô bay đã bay mất dấu , theo con én trắng bay về tận trời Tây.
31.03.2017.


Comment của Dong Trinh:

Chiều nay má dọn cơm sớm vì ba tui hứa dẫn tui với anh Út đi coi mô tô bay. Tui nghe vui quá, ăn thiệt lẹ, háo hức để được đi coi cho biết.
Trời vừa chạng vạng, anh em tui đã sẵn sàng, ba dẫn đi về hướng nhà làng, tới miếng đất trống ngó ngay qua cái nhà thiệt bự có chữ TOÀ ĐẠI BIỂU CHÁNH PHỦ MIỀN ĐÔNG NAM PHẦN. Ở đó thiệt là nhộn nhịp, đèn đuốc xanh đỏ sáng trưng, tiếng nhạc xập xình. Ba tui mua vẻ xong dẫn anh em tui leo lên một cái cầu thang ọp ẹp, tui nghe hơi run vì nó cao quá. Lên tới nơi, tụi tui đứng sát vô cái vách bằng cây, ba tui nói đó là cái sân khấu để người ta biểu diễn. Mà cái sân khấu này nó ngộ lắm. Nó tròn quay, từ trên cao dòm xuống tui thấy nó sâu thăm thẳm , tui nghĩ lỡ mà nhào đầu xuống chắc là tiêu tùng…người ta càng lúc càng đông, văng vẳng tiếng rao:
-Cà rem cây đây, cà rem đậu xanh, đậu đỏ, sầu riêng năm cắc một cây đây!
-Mía ghim đây, năm cắc một xâu đây!
-Thuốc lá, Ruby, Bastos xanh, Bastos đỏ, Capstan đây…
Ôi thôi đũ thứ hết, người này kêu mua, kẻ nọ chạy tới lựa…ba tui cũng mua cà rem cho hai anh em tui, ăn nghe mát lạnh, đậu xanh bùi bùi nghe đã gì đâu…tui còn đang ngó dáo dát thì nhạc ngưng hẳn, tiếng nói trong loa thiệt lớn:
-Chú ý! Chú ý! Mời bà con giữ trật tự, giờ trình diễn bắt đầu!
Vài phút sau, tiếng nhạc nổi lên trở lại, đèn màu chớp lia chớp lịa, một anh rồi một anh chạy xe đạp ra, họ đạp vòng vòng dưới sân, từ từ..từ từ…đột nhiên mấy ảnh chạy lên vách sân khấu, cái vách bằng cây tròn quay và cao thiệt là cao mà sao mấy ảnh leo lên chạy, rồi tới chừng muốn xuống thì làm sao he?.. Mà mấy ảnh chạy hay lắm, cứ vòng vòng lên xuống ròi từ từ xà xuống đất, chào mọi người. Tiếng vỗ tay vang lên…rầm ..,rầm…tui hết hồn khi một chiếc xe mô tô phóng ra thiệt lẹ, chạy lên vách thành cái vèo…vách thành rung rinh, mấy miếng cây kêu eng ét, khói ra từ mấy chiếc mô tô khét lẹt, tui run theo từng bánh xe mô tô, rồi tới chiếc nữa, chiếc nữa đua nhau lượn tới lượn lui, họ còn cả gan buông tay ra, vừa chạy vừa chào mọi người…mấy đứa nhỏ đứng gần tui la inh ỏi, đứa thì thích, đứa thì sợ. …tiếng nhạc dồn dập, tui cứ né người ra sau mỗi lần họ lên cao, tui cứ nghĩ họ sẽ bay ra ngoài vì họ kêu là mô tô bay..nhưng mà họ chỉ chạy trong đó thôi . Mồ hôi tui nhỏ giọt vì sợ, vì nóng, tui nắm chặt tay ba tui lại, trong bụng vái trời cho cái sân khấu này làm ơn đừng sập nha!
Vài phút sau, mấy ảnh chạy xuống đất, đậu xe lại, tiếng vỗ tay rân trời, tiếng huýt sáo hoét hoét thiệt lớn, khách coi đồng khum đầu xuống chào mừng mấy anh đó biểu diễn thiệt là hay!


 

KÝ ỨC TUỔI THƠ: CÂY DẦU và NHỮNG TRÒ CHƠI TUỔI THƠ

Ngọc Sương

Cây dầu thường được trồng bên lề của nhiều con đường ở Bình Dương và cứ mỗi độ cuối thu khi những chiếc lá dầu trở vàng rơi rơi , cũng đến lúc những trái dầu ươm ưởm xuân thì, ỏng ẹo theo thể điệu tuýt từ từ rơi xuống đất đã thu hút tính tò mò của đám học sinh trường Nam và Nữ Châu Thành ở xóm Giếng máy. Bọn chúng tôi thường gọi nó là ”trái chuồn chuồn” vì nó có hai cánh giống như ”con chuồn chuồn khi vui thì đậu , khi buồn thì bay”. Nhưng những trái chuồn chuồn này luôn luôn vui vì lẽ nó không biết bay mà còn là nguồn cung cấp những trò chơi cho trẻ con nhà nghèo trong xóm.

Tôi nhớ những buổi tan trường , bọn chúng tôi khoảng dăm bảy đứa hay dõi mắt nhìn lên những cây dầu mong tìm thấy những ”trái chuồn chuồn” đang rơi mà ước rằng nó sẽ rơi vào cặp táp của mình như là điềm hên . ”Trái Thị , trái Thị rớt bị bà già” trong truyện ”Tấm Cám” ngày xưa cho tôi một liên tưởng ”trái chuồn chuồn” sẽ rơi vào cặp táp tôi, và tôi sẽ dấu kỹ một xó nào đó trong nhà với hy vọng một ngày không xa, bà tiên sẽ ban phép nhiệm mầu biến nó thành con búp bê xinh đẹp mà tôi mơ ước có một món đồ chơi trong mộng.

Cây dầu được trồng cách khoảng vài chục mét, rất thích hợp cho bọn con trai chơi rượt bắt và vờn qua vờn lại.quanh gốc cây khá to như thể mèo vờn chuột… Còn nhóm con gái thì thích đi nhặt những ”trái chuồn chuồn”, bày ra đủ thứ kiểu chơi rất là phong phú. Không có cầu lông, không có vợt chơi đánh vũ cầu… đám trẻ con nhà nghèo dùng ”trái chuồn chuồn” như là trái cầu, dùng mo cau cắt thành cái vợt để chơi – đánh đơn , đánh đôi.

Để chơi bán hàng, nhóm này cắt hai cánh giả làm tiền, phần còn lại giả làm các loại trái cây: mận , ổi , hồng quân , mãng cầu , ….Hết chơi bán hàng rồi lại chuyển qua trò chơi đóng vai làm mẹ, làm y tá , làm cô giáo mà đối tượng phục vụ cho những trò chơi này những ”trái chuồn chuồn” được nhặt trên con đường Phạm ngũ Lão dẫn vào xóm Giếng máy của tôi .

San francisco, ngày 25 tháng 11 năm 2016.


 

 

Chuyện xưa, tích cũ

Đông Trịnh



Tui thích nghe má kể chuyện xưa. Ngày xưa đó, cái thuở mà người Mỹ chưa lên được tới cung trăng, cái thời mà thiên hạ chưa quen thuộc lắm với súng ống. Má tui nói, hồi đó người ta thường đi buôn ở những nơi sơn lâm chướng khí, phương tiện thường là quá giang bằng ghe thuyền.

Sáng tinh mơ, trong màn sương dầy đặc, ông lái đò tay chèo, tay chống, miệng kể huyên thuyên, thỉnh thoảng phì phà vài hơi thuốc cho ấm lòng. Rời bến, khách để lại ít tiền lẽ trả công, kẻ đưa đò, đưa tay đón nhận không buồn đếm, lặng lẽ quay thuyền. Trên bờ, người lái buôn tiếp tục cuộc hành trình. Mặt trời vẫn còn đang ngái ngủ, Ông nhanh chân cho kịp buổi chợ phiên. Ghé ngang quán nước kêu vội chén trà nóng, nuốt vội cái bánh rồi cất bước.

Sau mấy ngày dong rủi, Ông quay lại quán cốc ven đường, chén trà nóng, cục kẹo, trái chuối, đủ lót dạ khách thương hồ. Vội vã trả tiền, Ông nhanh chân về hướng bờ sông, nơi đó Ông lái đang giục khách mau xuống thuyền kẽo tối. Lão chủ quán nhìn theo, miệng nở một nụ cười bí hiểm.

Về đến nhà, trăng đã lên khỏi ngọn cau, Ông vội vã quăng mớ hàng rồi định nằm lăn ra ngủ vì bỗng nhiên nghe mệt mõi lạ thường, uể oải, đau nhức cả người. Vợ Ông nghi ông trúng gió, hối bầy trẻ ra vườn hái lá nấu nước xông cho ông… nhưng.. không kịp nữa rồi … Ông ngã vật ra nền đất, sùi bọt mép, toàn thân tím bầm… Người vợ hốt hoảng kêu cứu. Xóm làng nhanh chân chạy đến. Ông đã tắt thở! Một cái chết đầy những dấu hỏi?

Về sau, có người biết chuyện kể lại rằng Ông bị trúng ngãi, một loại Ngãi cực độc được nuôi bằng râu cọp. Má tui nói, một người bạn, ở Lộc Ninh , Hớn Quản cho biết, nơi đó rừng thiêng, nước độc, thường có cọp xuất hiện. Khi săn được cọp, việc đầu tiên là họ phải cắt bỏ râu và đốt, vì có nhiều người làm ăn bất chánh, họ tìm mua râu cọp, đem về, cắm vào mục măng. Một thời gian nào đó, họ bứng lấy mục măng này chế thành một loại thuốc mê, nhẹ thì nạn nhân chỉ bất tỉnh, thủ phạm sẽ vét tiền bạc tư trang rồi quăng nạn nhân ra chỗ nào đó, chừng tỉnh dậy, nhớ ra, sợ quá lo tìm đường về chứ không dám thưa gởi ai. Còn phía người nuôi ngãi, mỗi khi hại được bao nhiêu người thì họ phải giết một người, như vậy Ngãi mới linh, đó là lời của mấy ông thầy ngãi người thượng. Vô phúc cho ai đến nhằm vào cái số mà người ta đã định cho mình, thế là toi mạng một cách oan uổng.

Nhà tui ngày xưa ở xóm Hủ Tíu Cây Dừa, cạnh bên có chú Ba Nhiều, Chú có xe đò Bình Dương, Hớn Quản, thỉnh thoảng Chú hay cho ba má tui khi thì miếng thịt nai, khi miếng heo rừng, con trúc… Một ngày nọ, chú mang qua nhà cho ba má tui một cái xương chân cọp, một niềng ngà voi.

Ba tui mang miếng ngà này ra tiệm làm cho chị hai tui một chiếc nhẫn. Chị Hai thích lắm, đeo luôn trong tay không bao giờ tháo ra. Một hôm ,chị đi học, không biết do nói nhỏ quá vì chị Hai tánh hiền lành, nhút nhác. Thầy Thọ không nghe chị trả bài rõ, tưởng chị Hai không thuộc, Ông bắt chị Hai xoè tay ra, quất thiệt mạnh, trùng ngay chiếc nhẫn ngà. Chiếc nhẫn bể làm đôi, nước mắt chị chảy vì đau và cũng vì tiếc món nữ trang đầu đời.

Còn cái xương cọp theo gia đình tui từ Hủ Tíu Cây Dừa lên đến chợ, mỗi khi ai bị chó cắn, chạy tới nhà tui mượn đem về mài trên nắp lu rồi uống sẽ ngừa được bệnh chó dại, không cần phải ăn mấy chục mũi thuốc vô bụng đau điếng hồn điếng vía như dạo tui bị té đường mương sau hè. Rồi, có một lần, nhà hàng xóm má tui chạy tới mượn ống xương cọp, lúc bấy giờ đã mòn nhiều và bóng loáng do nhiều lần cứu người. Họ mượn và quên trả, má tui bận rộn quá, không nhớ đòi, cho đến khi có người khác hỏi, kiếm hoài không ra, đi đòi người trước đó đã mượn thì họ nói trả rồi… thôi thì chịu vậy.

Tui có Ông cậu thứ Bảy, em của má tui. Ông làm quan thuế ngày xưa nên cũng nhờ người mua vài món thú rừng như móng cọp, gấu, heo rừng. Cậu có cho má tôi một số để cho con cháu làm mặt đây chuyền đeo sẽ không bị ma quỷ nhát. Những cái móng này tùy theo tuổi tác của mấy ông ba mươi mà có móng màu lợt đẹp lắm, có móng đậm đen thui.

Nói tóm lại, cọp cũng có những ích lợi , cũng có những tác hại nếu mình biết cách dùng để giúp người , cũng như đừng lợi dụng nó để hại người.

Tui đây cầm tinh con cọp mà lại là cọp giấy, nhát hít, nên ai hù là chạy mất, nói gì đến chuyện hại người há quý vị…

Nhớ đến má và những lúc hai má con ngồi bên nhau, má hay kể chuyện đời xửa đời xưa cho con nghe, và cũng vì thế mà con má còn nhớ , biết nhiều chuyện lắm ! Thương má nhiều!

Fort Smith, Sept tháng 10 ngày 08 năm 2016.

Dong Trinh.